Ministry of Planning and Investment of the Socialist Republic of Vietnam

05/09/2024 | Press release | Distributed by Public on 05/09/2024 20:21

Cuộc họp thường niên năm 2024 của Ban Chỉ đạo chung giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc về Chương trình hợp tác phát triển bền vững

(MPI) - Ngày 09/5/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương và Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis đồng chủ trì Cuộc họp thường niên năm 2024 của Ban Chỉ đạo chung giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc về Chương trình hợp tác giữa hai bên.

Khung chiến lược chung về hợp tác phát triển bền vững giữa Liên hợp quốc (LHQ) và Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2022-2026 (CF) đã chính thức được thông qua vào năm 2022. Khung hợp tác củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và LHQ, khẳng định lại cam kết của LHQ trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững quan trọng cũng như những ưu tiên trong công cuộc phát triển đất nước giai đoạn 2022-2026.

Trong cơ cấu quản trị CF, Ban chỉ đạo chung của Chính phủ Việt Nam - LHQ (JSC) sẽ giám sát và định hướng chiến lược đối với quy trình thực hiện CF để đảm phù hợp với bối cảnh, các quy trình, cơ chế và mục tiêu phát triển quốc gia, khu vực và quốc tế, đảm bảo lồng ghép các quy trình khác; hỗ trợ, huy động nguồn cho CF, thúc đẩy nguồn vốn cho phát triển; giám sát tiến độ, thách thức, cơ hội và đưa ra phương hướng thực hiện.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, mặc dù đã tốt nghiệp viện trợ chính thức của Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) và Quỹ Phát triển Châu Á (ADF), Việt Nam luôn coi nguồn vốn ODA là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư các dự án mang tính trọng điểm, ưu tiên của Việt Nam.

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2023, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện 656 dự án, gồm 47 dự án đầu tư, 215 dự án hỗ trợ kỹ thuật và phi dự án. Tiến độ giải ngân vốn các dự án nhìn chung còn chậm, vướng mắc trong đàm phán, ký kết hiệp định vay và về chính sách, quy trình, thủ tục giữa hai bên. Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, bộ ngành Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan LHQ để việc thực hiện CF trong những năm tới đạt được tiến độ nhanh chóng và thuận lợi.

Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis (giữa). Ảnh: MPI

Về phía LHQ, bà Pauline Tamesis nêu bật mối quan hệ đặc biệt giữa các cơ quan LHQ và Chính phủ Việt Nam trong suốt thời gian qua và nhấn mạnh, CF thể hiện cam kết chung của hai bên trong hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững cũng như các ưu tiên phát triển quốc gia mà Việt Nam đã đề ra.

Chính vì vậy, cuộc họp JSC là dịp để điểm lại các thành tựu đạt được trong hai năm thực hiện CF và thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể, đặc biệt liên quan đến những thách thức về vốn ODA và hoạch định các chiến lược ưu tiên trong tương lai.

CF bao gồm 180 biện pháp can thiệp và bao trùm trên tất cả 17 SDGs, trong đó các lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất là y tế, xóa nghèo, giới, việc làm thỏa đáng và tăng trưởng kinh tế, hành động vì khí hậu, và quản trị và công lý. Việc thực hiện CF trong hai năm qua cũng đã đạt 4 thành tựu nổi bật.

Thứ nhất, phát triển xã hội bao trùm, toàn diện. LHQ đã có nhiều đóng góp cho công tác tiêm chủng tại Việt Nam, cụ thể 963.928 trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm phòng đầy đủ; 8.131.709 trẻ từ 5-7 tuổi đã được tiêm hai (hoặc một) liều vắc-xin COVID-19 tăng cường, nâng cao kỹ năng tiêm chủng và quản lý dây chuyền lạnh cho các cán bộ tiêm chủng…

Thứ hai, ứng phó với biến đổi khí hậu, khả năng phục hồi sau thiên tai và bền vững môi trường. Các cơ quan LHQ đã phối hợp các bộ, ngành Việt Nam tổ chức các hội thảo nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi năng lượng công bằng, thúc đẩy hợp tác, khuyến khích chuyển giao tri thức cũng như nâng cao năng lực trong thực hành kinh tế tuần hoàn cho các quan chức chính phủ.

Thứ ba, thịnh vượng chung thông qua chuyển đổi kinh tế. Điều này đã mang đến kết quả tích cực trong việc cải thiện chính sách nhằm trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, mang lại lợi ích cho 523.124 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và nữ doanh nhân.

Thứ tư, quản trị và tiếp cận công lý. LHQ đã đóng góp quan trọng trong hỗ trợ toàn diện cho quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, nâng cao vai trò của phụ nữ trong công tác gìn giữ hòa bình và an ninh.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan thuộc LHQ như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO),… và các Bộ: Tài chính, Lao động - Thương binh và xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… đã cùng trao đổi về tình hình huy động các dự án sử dụng vốn ODA và đánh giá tổng quan về một số vướng mắc gặp phải trong thực hiện CF trong hai năm qua.

Phía LHQ đưa ra một số kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện ODA tại Việt Nam như đơn giản hóa quy định theo nguyên tắc rõ ràng, ngắn gọn, nhất quán, nâng cao hiệu quả phối hợp, thiết lập các cơ chế rõ ràng giữa các cơ quan Chính phủ tham gia quy trình phê duyệt cũng như đưa ra hướng dẫn rõ ràng cho các đối tác phát triển. Các cơ quan Việt Nam cũng đưa ra giải pháp nhằm khắc phục khó khăn với các dự án của UN hiện nay, trong đó đề nghị các tổ chức LHQ phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng văn kiện dự án và sớm chia sẻ, tham vấn các ý tưởng xây dựng dự án, nguồn tài trợ ngay từ ban đầu.

Một số ưu tiên xuyên suốt của CF trong năm 2024 sẽ tập trung vào việc tư vấn chính cách cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, đối thoại chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDGs, thúc đẩy đầu tư cho SDG./.

Bảo Linh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư