Ministry of Planning and Investment of the Socialist Republic of Vietnam

05/05/2024 | Press release | Distributed by Public on 05/05/2024 01:10

Quy hoạch Vùng là căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai các chương trình, dự án trong thời kỳ quy hoạch

(MPI) - Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 204. Quy hoạch Vùng là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành và địa phương triển khai các chương trình, dự án quan trọng của Vùng trong thời kỳ quy hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Trên đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ diễn ra ngày 05/5/2024, tại tỉnh Tây Ninh. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học,…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch cần tập trung triển khai các nội dung cụ thể. Thứ nhất, việc tổ chức triển khai quy hoạch cần được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng các quy định của pháp luật, nhằm thu hút rộng rãi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia thực hiện quy hoạch.

Thứ hai là, phải đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của Vùng.

Thứ ba là, Hội đồng điều phối vùng và các bộ, ngành tiếp tục phát huy vai trò, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền ban hành về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển vùng.

Thứ tư là, tập trung nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng vùng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia đang triển khai, sớm đưa các dự án vào khai thác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng như: Các tuyến đường bộ cao tốc, đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh; Cảng khàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu…

Hoàn thiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh việc triển khai các dự án mới như: Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị liên kết vùng; Đầu tư nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi lớn trong vùng nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước…

Thứ năm là, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, để phát triển vùng động lực phía Nam trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á; phát triển các tuyến hành lang kinh tế để mở rộng không gian phát triển, tạo mối liên kết đồng bộ giữa các địa phương trong vùng.

Về rà soát cơ chế, chính sách đặc thù của Vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, một trong các nhiệm vụ được giao và cũng là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ là rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù vùng Đông Nam Bộ, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cho vùng, khai thác tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của Vùng, đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực trạng phát triển để xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và đột phá.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong Vùng nghiên cứu, rà soát các nhóm chính sách thuộc 05 ngành, lĩnh vực. Một là, nhóm chính sách về đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và huy động nguồn lực. Hai là, nhóm chính sách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ba là, nhóm chính sách về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển. Bốn là, nhóm chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm là, nhóm chính sách về đất đai và xây dựng.

Nội dung rà soát tập trung làm rõ sự cần thiết đề xuất ban hành chính sách mới hoặc tính hiệu quả của các chính sách hiện hành, đối tượng, địa bàn, nội dung, định mức cũng như mục tiêu cụ thể của từng nhóm chính sách tới địa bàn các địa phương của Vùng.

Ảnh: MPI

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, kiến nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách và tập trung bố trí nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính nhất quán và hiệu lực, hiệu quả của chính sách. Trong đó, tập trung vào các chính sách huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương có khả năng thu lớn, tạo điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường sắt đô thị, cao tốc, quốc lộ và Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa bàn các tỉnh; đồng thời ưu tiên các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài, làm cơ sở phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của Vùng.

Về tình hình triển khai một số dự án hạ tầng quan trọng, liên kết vùng, trong đó đối với các dự án đã hoặc chuẩn bị triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh: cơ bản các dự án xây lắp đã khởi công, trong đó đoạn qua tỉnh Long An, đạt hơn 22% khối lượng; đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đạt khoảng 12,5% khối lượng; đoạn qua tỉnh Bình Dương đạt hơn 9% khối lượng; đoạn qua tỉnh Đồng Nai đạt hơn 2% khối lượng. Đối với 04 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cơ bản đạt tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, dự án đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh có khó khăn về thiếu nguồn cát san lấp nên phần đường đang chậm tiến độ. Dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chậm khoảng 02 tháng theo tiến độ yêu cầu do chậm công tác giải phóng mặt bằng.

Do vậy, đối với việc thiếu cát, Bộ trưởng đề nghị các địa phương có dự án đi qua tiếp tục phối hợp với các Bộ, địa phương có nguồn cát trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để được hỗ trợ nguồn vật liệu cát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án điều phối, giải quyết dứt điểm cát đắp nền đường.

Đối với Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài: Hội đồng thẩm định liên ngành (Hội đồng TĐLN) đã có Báo cáo kết quả thẩm định số 2286/BC-HĐTĐLN ngày 27/3/2024. UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thiện BCNCTKT và có Tờ trình số 1890/TTr-UBND ngày 10/4/2024 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư Dự án.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung để xin ý kiến các Thành viên Hội đồng TĐLN (sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Hội đồng). Ngoài ra, đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh khẩn trương cung cấp đủ số lượng hồ sơ Dự án để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến các Thành viên Hội đồng TĐLN theo quy định.

Về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Hội đồng thẩm định nhà nước đã có Báo cáo thẩm định số 2663/BC-HĐTĐNN ngày 07/4/2023 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định Báo cáo NCKT điều chỉnh Dự án, trong đó không có nội dung bổ sung việc bố trí tái định cư tuyến giao thông kết nối T1 và T2 vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Sau đó, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản đề xuất bổ sung bố trí tái định cư của 02 tuyến đường gồm: tuyến giao thông kết nối T1, T2 và tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào Dự án tuy nhiên chưa được Quốc hội và UBTVQH cho phép tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 và văn bản số 768/UBTVQH15-KT ngày 26/3/2024.

Về việc này, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà xem xét, quyết định điều chỉnh Dự án theo các nội dung đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước báo cáo tại Văn bản số 2266/BC-HĐTĐNN ngày 26/3/2024. Trường hợp cần bố trí tái định cư cho 02 tuyến giao thông vào Dự án, đề nghị giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định, do nguồn vốn để thực hiện Dự án chỉ được giải ngân trong năm 2024 theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội.

Về dự án mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có chiều dài khoảng 55 km: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) kiến nghị đầu tư mở rộng 21,92 km, quy mô 8 làn xe từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Về hình thức đầu tư, VEC dự kiến huy động nguồn vốn để đầu tư Dự án mở rộng. Tuy nhiên, để có thể huy động vốn, các vấn đề liên quan đến Đề án Chủ trương phương án tái cơ cấu VEC và việc khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến khoản trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả từ giai đoạn 2022 - 2026 sang giai đoạn 2033 - 2036 cần phải được xử lý. Đề nghị UBQLV phối hợp với các cơ quan liên quan sớm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định 02 vấn đề nêu trên để có cơ sở đầu tư mở rộng Dự án.

Đối với các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng khác như Cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Bến Lức - Long Thành; cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Xây dựng Nhà ga Hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất: Các dự án này đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư hoặc đã triển khai thi công. Đề nghị các Bộ và các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.

Đối với các dự án đang nghiên cứu triển khai, trong đó có dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh và giao UBND thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan đầu mối tổng hợp, điều phối triển khai thực hiện các Dự án.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo: Trường hợp cần có cơ chế, chính sách đặc thù riêng hoặc áp dụng cho toàn bộ dự án đường Vành đai 4, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, thống nhất với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2024 để chỉ đạo, trình cấp có thẩm quyền tương tự như Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Để tạo điều kiện sớm triển khai Dự án, đề nghị các địa phương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ: Dự án đang chờ bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng biển, trong đó bổ sung chức năng trung chuyển quốc tế đối với cảng Cần Giờ.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị có ý kiến về các nội dung: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; các yếu tố bảo đảm an ninh, quốc phòng; hình thức lựa chọn nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án; tác động môi trường đến hệ sinh thái Cần Giờ; đánh giá tác động với các cảng lân cận. Đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh sớm có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các nội dung nêu trên.

Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, các bộ và địa phương liên quan. Theo đó, về các nhiệm vụ: Các bộ, địa phương tiếp tục triển khai 18 nhiệm vụ đã giao trong năm 2023 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các hệ thống giao thông kết nối với sân bay Long Thành; nội dung liên quan đến thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút nhân tài cho Vùng.

Về cơ chế, chính sách đặc thù: Góp ý cho các cơ chế, chính sách đặc thù của Vùng Đông Nam Bộ, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về quy hoạch vùng Đông Nam Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ; các Bộ, địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch Vùng.

Về các dự án quan trọng, liên kết vùng: Đẩy nhanh tiến độ các dự án đã và chuẩn bị khởi công; Đối với các dự án đang nghiên cứu triển khai: các địa phương khẩn trương đề xuất các cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; Trường hợp có vướng mắc, các bộ ngành, địa phương cần đề xuất giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo kịp thời (đồng gửi các Bộ liên quan để tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ)./.

Tùng Linh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư